Mua nhà lần đầu hay gặp 9 sai lầm nào?

Những người mua nhà, đặc biệt là trong lần mua đầu tiên thường có những sai lầm phổ biến như không cân nhắc kỹ khả năng tài chính, lãi suất, không hiểu rõ năng lực chủ đầu tư...
Nhà vuông khuyến cáo 9 lỗi hay gặp đối với người mua nhà lần đầu để tránh những rủi ro cũng như tránh những gánh nặng tài chính sau khi mua nhà.
Nên xem xét kỹ khi mua bất động sản
Cần chú ý trong việc mua bất động sản

1. Người mua không tính toán kỹ khả năng tài chính

Việc có được một ngôi nhà, một căn hộ cho mình là một trong những mơ ước lớn của mỗi người. Khi có kế hoạch mua nhà, chúng ta thường rơi vào trạng thái cảm xúc vui mừng, dẫn tới chủ quan. Mặc dù đã có trước một khoản tiền cho kế hoạch mua nhà, nhưng những quyết định chủ quan có thể làm bạn rơi vào tình huống mất khả năng chi trả, hoặc sẽ trở thành một gánh nặng lớn đối với việc trả nợ gốc và lãi vay từ nhiều nguồn.
Khi mua nhà lần đầu, hầu hết mọi người đều phải đi vay từ nhiều nguồn. Niềm vui mừng có nhà nhiều khi làm chúng ta chủ quan trước vấn đề cân nhắc thu nhập và trả nợ vay. Điều này sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy sau này. Để tránh những gánh nặng tài chính đó, khi quyết định mua nhà, chúng ta nên lựa chọn những căn hộ, những bất động sản phù hợp với khoản tích lũy và phù hợp với khả năng trả nợ cho khoản đi vay còn lại. Thông thường, để mua bất động sản, ít nhất chúng ta phải có 50% giá trị bất động sản, nếu càng nhiều hơn càng tốt. Và dù khoản tích lũy ở mức nào, khi đã quyết định vay thêm thì chúng ta phải cân nhắc, tính toán kỹ nguồn thu nhập, chi phí sinh hoạt, dự tính sự tăng lên hay giảm xuống của lãi vay trong tương lai để đưa ra một quyết định tốt nhất.

2. Không tìm hiểu kỹ về năng lực, khả năng của chủ đầu tư

Trên thị trường bất động sản, bên cạnh những nhà đầu tư có tên tuổi, uy tín, năng lực và đã được thị trường kiểm chứng thì cũng có không ít chủ đầu tư yếu kém về năng lực, tài chính, không có uy tín.
Do đó, nếu không tìm hiểu kỹ về năng lực, khả năng, độ uy tín của chủ đầu tư. Rất có thể chúng ta sẽ rơi vào nhiều tình cảnh không hay. Đó có thể là tình trạng pháp lý không rõ ràng của dự án, chưa hoàn thiện về mặt thủ tục, chưa được giải phóng mặt bằng hoặc chưa hoàn tất thỏa thuận giải phóng mặt bằng. Dự án chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo...
Vì vậy, việc xem xét chủ đầu tư của dự án đang tìm hiểu mua là một việc rất quan trọng.

3. Không chú ý tính thanh khoản

Tính thanh khoản là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt. Bất động sản có tính thanh khoản cao tức là bất động sản dễ bán, chúng ta có thể bán được nhanh khi cần. Có thể bạn mua nhà để ở nên không quan tâm đến điều này. Nhưng hãy thay đổi tư duy một chút, cuộc sống luôn thay đổi từng giờ, khả năng chuyển công tác, hoặc nhiều điều bất ngờ khác có thể xảy ra trong cuộc sống, khả năng chuyển nhà là hoàn toàn có thể xảy ra.
Do đó, nếu mua được một bất động sản có tính thanh khoản cao, bạn sẽ dễ dàng bán chúng đi để mua cái khác hoặc thu xếp nhanh được cuộc sống ở nơi khác. Nhưng ngược lại, rất lâu bạn mới có thể bán được, thậm chí nhiều năm trời mới bán được thì mọi chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Nếu là người đầu tư bất động sản, không cần nhắc nhở thì bạn cũng biết tính thanh khoản là điều kiện rất quan trọng để bạn có quyết định đầu tư hay không vào bất động sản đó.

4. Không xem xét kỹ cơ sở hạ tầng xung quanh bất động sản

Mua bất động sản không đơn giản là mua căn nhà, căn hộ với diện tích từng ấy, giá tiền từng ấy. Mua bất động sản là phải mua cả không gian sống cho bạn.
Do đó, đừng quên xem xét kỹ cơ sở hạ tầng trong nội bộ dự án bất động sản đó và khu vực xung quanh. Bạn cần một bất động sản có liên kết giao thông, kết nối khu vực thuận lợi.
Cần xem xét đường xá có thuận tiện không, tắc đường có thường xuyên, tình trạng ngập nước khi mưa, việc di chuyển đi làm, đi học của các thành viên trong gia đình có thuận tiện, các kết nối y tế, giáo dục, mua sắm... có thuận tiện và hợp lý. Không gian trong bất động sản có hợp lý, có tiện cho sinh hoạt, chỗ để xe, mật độ thang máy, mật độ xây dựng...
Những điều đó có thể làm cho cuộc sống của bạn vô cùng bất tiện và bạn chỉ muốn ra ngay ngoài thuê một chỗ khác để ở mặc dù nhà bạn đang ngay đấy.

5. Không quan tâm đầy đủ đến tiến độ dự án, thời điểm nộp tiền và lãi vay

Nếu bạn mua căn hộ chung cư, liền kề, biệt thự, shophouse theo tiến độ, có thể bạn sẽ gặp phải lỗi này. Đối với các bất động sản hình thành trong tương lai, bạn mua nó bạn sẽ nộp tiền thành nhiều đợt khác nhau. Nếu không chú ý đến thời điểm đóng tiền, bạn có thể gặp nhiều áp lực khi đến kỳ đóng tiền.
Người mua cũng có thể bị ép nộp tiền sớm hơn so với hợp đồng. Ví dụ, lần nộp tiền đầu tiên sẽ không quá 30% giá trị căn hộ. Trước khi nhận nhà, theo luật định bạn chỉ phải đóng tối đa 70% giá trị căn hộ.
Bạn cũng nên quan tâm đến tiến độ dự án, vì tiến độ dự án thông thường sẽ gắn liền với tiến độ đóng tiền của bạn. Và nếu vay thêm để mua nhà, cần lưu ý đến lãi suất và biện độ giao động lãi suất để tránh tình trạng số tiền phải trả cao hơn quá nhiều so với khả năng của bạn và giá trị của bất động sản đó.

6. Không được tư vấn kỹ và thiếu kiến thức lọc hồ sơ đảm bảo về mặt pháp lý

Những giấy tờ đảm bảo về mặt pháp lý như sổ hồng, công văn giao đất, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế... là những giấy tờ bạn cần biết chủ đầu tư đã được cấp trước khi quyết định mua bất động sản đó.
Nếu không xem xét tính hợp pháp của bất động sản, bạn có thể sẽ rơi vào tình trạng mất không vì dự án bị thu hồi hoặc làm sai quy định của Nhà nước.

7. Không minh bạch các loại phí

Thông thường, người mua không phải trả bất cứ khoản phí nào nữa ngoài giá mua bán trong hợp đồng. Những khoản phí được yêu cầu từ nhân viên (nếu có) bạn cần xem xét kỹ, cân nhắc trước khi quyết định có nộp nó hay không.
Cũng cần xem xét để chắc chắn rằng các khoản phí liên quan đến cuộc sống sau này nằm trong quy định hiện hành của pháp luật.

8. Nhận bàn giao khi dự án chưa nghiệm thu

Có những tình trạng bị cắt nước, cắt điện, phải sống trong "công trường" khi còn nhiều hạng mục chưa xây xong là lời cảnh báo về sai lầm trong việc nhận bàn giao khi dự án chưa được nghiệm thu và hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Ngoài ra, những vấn đề phát sinh khác như tăng phí quản lý, số căn trong tầng, số tầng trong dự án không đúng cam kết... thì cũng đừng vì nôn nóng nhận nhà mà bỏ qua. Đó là sai lầm có thể dẫn bạn tới các rắc rối pháp lý cho tài sản sau này.

9. Không chú ý diện tích thật, nội thất thật khi được bàn giao

Chủ quan không đo đạc lại diện tích có thể dẫn đến tình trạng diện tích thật và diện tích trong hợp đồng khác xa nhau. Nội thất có như trong hợp đồng cam kết không cũng là những thiếu sót nhiều người gặp phải. Ngoài ra, hãy kiểm tra kỹ hệ thống điện, nước, các trang thiết bị nội thất khác trước khi ký vào biên bản bàn giao.
Mua bất động sản lần đầu có thể sẽ có nhiều bỡ ngỡ, để không mắc phải những sai lầm, người mua nên chú ý, thận trọng và hỏi ý kiến để có một quyết định sáng suốt nhất.

Xem thêm Mệnh trạch và hướng nhà của mỗi người để lựa chọn được tốt nhất

Nhà vuông

Nhà vuông cảm ơn các bạn đã theo dõi bài đăng!
Mọi vấn đề cần tư vấn, đóng góp ý kiến, xin gọi số 0936 80 12 16
    Comment
    Comment

0 comments :

Đăng nhận xét